TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLBĐ
*Phần I Những tiền đề
Cải cách thể chế kinh tế là một khái niệm kinh tế chính trị học liên quan đến sự vận hành của nhà nước đối với mọi nền kinh tế sản xuất hàng hoá, không phải bây giờ mới xuất hiện; nhưng ở ta đặt ra ngày càng bức bách, thu hút cả nước sôi sục quan tâm, bởi nền kinh tế đang phải đối mặt với bao nguy cơ bất ổn đe doạ, kèm vô số hệ lụy lên mọi mặt đời sống, xã hội, đạo dức, văn hoá, y tế, giáo dục…vốn cũng chỉ có thể giải quyết được trên nền tảng kinh tế; đúng như Mác đã nói,
một khi thực tế không thể giải quyết thì phải quay trở lại xem xét những nguyên lý đã đẻ ra nó, mà mấu chốt hiện nay được hầu hết giới học giả, chính khách thừa nhận chính là vấn đề thể chế.
1.1- Mô hình kinh tế
Nói đến thể chế kinh tế không thể không bắt đầu từ 2 mô hình kinh tế cơ bản được khoa học kinh tế phân loại thành “kinh tế thị trường” theo đuổi mục đích lợi nhuận và đối lập với nó là “kinh tế quản lý tập trung” hay “chỉ huy” nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước đặc trưng ở các nước khối xã hội chủ nghĩa. (Để tránh “kị húy” hoặc ngộ nhận tưởng có mối quan hệ một một giữa 4 khái niệm “kinh tế chỉ huy”, “chủ nghĩa xã hội”, “doanh nghiệp nhà nước”, “đảng cộng sản”, cần biết rằng, nền kinh tế chỉ huy không chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa mà ở không ít nước, đặc biệt như Liby dưới thời Gaddafi thậm chí chỉ ở 1 tiểu bang như Ấn Độ. Cũng không phải cứ đảng cộng sản tham chính hay chấp chính là nền kinh tế mang mô hình quản lý tập trung, bởi thế giới hiện đại hầu như nước nào cũng có đảng cộng sản, hoặc tham chính hoặc chấp chính tại nhiều quốc gia; ngay cả những nước đứng đầu như Đức, Đảng Cộng sản tham gia chính phủ 2 tiểu bang. Doanh nghiệp nhà nước cũng vậy không phải đặc trưng riêng có của chủ nghĩa xã hội mà có ở mọi quốc gia). Để đạt mục đích nói trên, nền kinh tế thị trường có dấu hiệu đặc trưng sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, phân phối theo lợi nhuận (thị trường chỉ là khái niệm khoa học chỉ hoạt động tự do mua bán hiểu theo nghĩa chuyển quyền sở hữu từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác); ngược lại nền kinh tế quản lý tập trung dựa trên nền tảng công hữu tư liệu sản xuất (các doanh nghiệp cũng mua bán nhưng không thay đổi chủ sở hữu vẫn là nhà nước, nên không gọi là thị trường), do nhà nước trực tiếp điều hành theo kế hoạch từ trên xuống, phân phối theo lao động. Liên xô và CHDC Đức trước thời điểm sụp đổ là 2 quốc gia đã hoàn thành qúa độ lên xã hội chủ nghĩa và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển (“điều mà ở nước ta hết thể kỷ này chưa biết đạt được hay không”), đều thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu trên. Bên cạnh đó còn mô hình kinh tế biến thể từ 2 mô hình cơ bản, cũng dựa trên công hữu tư liệu sản xuất nhưng doanh nghiệp tự chủ, áp dụng ở Nam Tư cũ (lúc đó được gọi là “chủ nghĩa xét lại”). Từ thập niên 90 xuất hiện thêm mô hình biến thể, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hay định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sự xuất hiện các biến thể đó là do 2 mô hình kinh tế cơ bản trên chỉ mới là điều kiện cần, con người chọn lựa hay không, hay tìm tòi những mô hình khoa học mới là do lợi ích nó mang lại cho con người quyết định, tức điều kiện đủ. Lợi ích kinh tế trước hết nằm ở hiệu quả, được Mác khái quát, năng suất lao động là thước đo tính ưu việt của hình thái kinh tế xã hội này đối với hình thái kinh tế xã hội khác. Còn theo Đặng Tiểu Bình, mèo trắng hay mèo đen đều được, miễn bắt được chuột; có nghĩa mô hình chỉ là phương tiện phục vụ cho lợi ích con người chứ không phải ngược lại. Vậy, không lý do gì, như CHDC Đức cứ phải bảo thủ mô hình kinh tế chỉ huy, khi cùng một điểm xuất phát sau 40 năm áp dụng tụt hậu so với CHLB Đức ước tới nửa thế kỷ, tức cứ mỗi năm ra sức xây dựng nền kinh tể chỉ huy, thì tụt hậu thêm1 năm so với nền kinh tế thị trường, hệ lụy tới mức tại thời điểm hiện nay, người ta dự báo phải 20 năm nữa mới vực được Đông Đức ngang hoàn toàn Tây Đức mặc dù nhà nước, và từng người dân phải đóng góp cho các tiểu bang Đông Đức phí đoàn kết trích trên lương tháng, tổng cộng mỗi năm lên tới hàng mấy chục tỷ Euro (ở đây không dề cập tới yếu tố chính trị bởi Đảng Cộng sản Đức vẫn tham chính cấp liên bang và cùng chấp chính ở 2 tiểu bang). Việt Nam và Trung Quốc buộc phải chuyển dổi mô hình cũng không ngoài lý do lợi ích.
Nhưng mô hình kinh tế nào cũng gắn với chính thể quốc gia đó vốn quyết định phân phối lại thu nhập quốc dân. Chính vì thế, như ở Đức, được bao hàm trong khái niệm hiến định “chính thể Đức là một nhà nước liên bang dân chủ, xã hội”, nền kinh tế Đức đương nhiên mang nội hàm mặc định “nền kinh tế thị trường, xã hội” hiểu theo nghĩa vừa bảo đảm cho bất cứ ai cũng có cơ hội kinh doanh trở thành “tỷ phú”; nhưng vừa bảo đảm tài lực cho an sinh và phúc lợi toàn dân; bất cứ ai kể cả người nước ngoài được quyền sinh sống ở Đức sinh con đều có lương con; thai nghén, chửa đẻ, chăm con nhỏ được nghỉ việc hưởng trợ cấp; thất nghiệp; ốm đau, tai nạn nghề nghiệp, về hưu có bảo hiểm trả; bất kỳ người dân nào không có hoặc kém thu nhập đều được nhà nước bảo đảm đời sống cơ bản (nghĩa là mức bình thường) về ăn, ở, nuôi dạy con cái, học hành, đi lại, chữa bệnh.., nếu không sẽ bị họ kiện ra toà chế tài nhà nước phải thực hiện. Đó cũng chính là giá trị sử dụng của Hiến pháp họ vốn không đóng vai trò một bản tuyên ngôn, nghị quyết để phấn đấu, mà là một chế tài đối với nhà nước buộc phải thực hiện lập tức những gì đã hiến định từ thời điểm có hiệu lực. Vì vậy, ở Đức không ai không có chỗ ở, bị bỏ đói rách thiếu thốn, ốm đau, thất học, thiếu điện nước, lò sưởi, phương tiện đi lại cần thiết…, ngoại trừ chính họ dùng tiền trợ cấp đó vào mục đích khác như rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm, xì ke, ma túy…
Còn nước ta hiện đã hiến định mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“. Cải cách thể chế kinh tế ở ta vì vậy chính là tạo lập hành lang pháp lý bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo đúng mô hình cơ bản của “nền kinh tế thị trường” (vốn là một khái niệm phổ quát dù tính chất gì); trên nền tảng đó bảo đảm mục đích tốt đẹp “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng chính là nội hàm của khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” đi kèm trong hiến pháp mang tính chế tài đối với nhà nước. Cải cách đó vì vậy thuộc tầm cấp vĩ mô, trách nhiệm hiến định của Đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ, trước nhân dân; quyết định sự tín nhiệm của từng người dân (tổng hợp lại chính là chủ nhân đất nước) đối với chính thể (sẽ được bàn tới ở một chuyên đề khác).
*1.2- Mô hình doanh nghiệp
Tuy nhiên, nền kinh tế như một cơ thể sống, dù thuộc mô hình nào, cũng bao gồm các tế bào doanh nghiệp tương thích hợp thành. Nên vấn đề cải cách thể chế kinh tế không thể thành công, nếu chỉ mỗi ở cấp vĩ mô, mà trước và trên hết, có bột mới gột nên hồ, phải cải cách chính tế bào xây dựng nên nó tạm gọi là cải cách vi mô, không thể bê y nguyên doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa xưa nay đặt vào mô hình kinh tế thị trường, hay chỉ cần bổ sung doanh nghiệp các thành phần khác là đủ; giải thích tại sao nước ta chưa được thế giới thừa nhận nền kinh tế thị trường, không phải do con số doanh nghiệp nhà nước mà do bản chất doanh nghiệp nhà nước không thay đổi, phải chịu chật vật trong các đàm phán hiệp định kinh tế thế giới.
Xuất phát từ mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm đảng và nhà nước điều hành kinh tế thông suốt theo chiều dọc từ trung ương tới điạ phương, theo chiều ngang bộ ngành, doanh nghiệp nhà nước mô hình trên được hành chính hoá trở thành một bộ phận của các cấp hành chính: cấp I (thuộc trung ương), cấp II (tỉnh thành), III (huyện), chịu sự điều khiển của chính quyền các cấp này, đóng vai trò công cụ nhà nước điều hành nền kinh tế vĩ mô. Từ đó, sự vận hành bên trong doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nguyên tắc quản lý nhà nước (được dạy trong các giáo trình kinh tế cơ bản) như “thống nhất lãnh đạo chính trị và kinh tế”, “tập trung dân chủ”, “kế hoạch hoá”, “phân phối theo lao động”…Các nguyên tắc vận hành đó tự động đặt vai trò, trách nhiệm quyết định kinh doanh lên đảng, nhà nước, công đoàn, đoàn thanh niên (gọi là “bộ tứ”). Thuật ngữ “nền kinh tế chỉ huy” không chỉ phản ảnh đặc trưng của mô hình mà cả tế bào doanh nghiệp tạo nên nó; kinh doanh bằng quyền lực nhà nước, chứ không phải bằng thị trường. Xét về mặt khoa học, doanh nghiệp vận hành như vậy hoàn toàn đúng với mô hình kinh tế quản lý tập trung đã được khoa học phân loại.
Tuy nhiên xét về lợi ích, doanh nghiệp vận hành như thế đã biến lãnh đạo doanh nghiệp trở thành công chức nhà nước vốn có trách nhiệm nhất nhất chấp hành chỉ thị cấp trên, nghị quyết đảng ủy; bù lại, trách nhiệm pháp lý cá nhân đối với kết quả kinh doanh cùng các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, vốn đóng vai trò quyết định số phận tương lai sống còn của doanh nghiệp, họ được lợi không phải gánh chịu hoàn toàn, ngoại trừ cá nhân họ vi phạm hình sự. (Một mô hình bù trừ như vậy được gọi là cân bằng, có thể tồn tại vĩnh cửu, chỉ thay đổi một khi vị trí cân bằng đó thay đổi bởi một cú hích nào đó). Vụ án Dương Chí Dũng là một điển hình, nếu không bị cáo buộc tham nhũng thì cũng chẳng mấy hề hấn dù kinh doanh ụ nổi gây thiệt hại cho Vinashin tới cả chục triệu đô la bởi nó được thông qua mọi cấp lãnh đạo liên quan; so với trường hợp tập đoàn Enron Mỹ phá sản, Jeffrey Skilling Tổng Giám đốc tại vị phải bồi thường tới 45 triệu đô la (gấp hơn 4 lần trị giá thiệt hại ụ nổi). Bộ máy nhân công doanh nghiệp cũng hưởng lương theo ngạch bậc như công chức từ cấp thấp lên cao, không tùy thuộc kết quả kinh doanh, mặc dù chính họ quyết định nó. Bù lại, hiện tượng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” chính là sản phẩm công chức hoá hoạt động doanh nghiệp, chứ không hẳn họ thiếu năng lực hay đạo đức kinh doanh. Một ký túc xá đại học Đông Đức trước tái thống nhất chừng vài trăm sinh viên phải cần tới bộ máy quản lý chừng chục nhân viên trực chia ca kíp, so với khi chuyển sang mô hình Tây Đức, chỉ còn trực đúng 1 người, hỏi lấy đâu ra hiệu qủa kinh tế? Ngược lại trong qúa trình kinh doanh hễ có cơ hội, làm nghề nào ăn nghề ấy, họ cũng không mấy ngần ngại hợp pháp hoá vụ lợi bằng các quyết định tập thể, chạy các cấp lãnh đạo ngang dọc, để bù cho đồng lương công chức nhà nước ngồi bàn giấy trả cho họ không thích ứng với công việc họ trực tiếp kinh doanh gắn liền với giá trị gia tăng. Đặc biệt khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường như ở ta hay Trung Quốc, cho phép lãnh đạo sở hữu tư nhân tài sản, doanh nghiệp, cổ phần, thì ngay lập tức từ khởi thủy vụ lợi phát triển nhanh chóng thành tham nhũng, doanh nghiệp sân sau, rút ruột công trình, dự án vô bổ… được thế bùng phát không thể kiểm soát, chừng nào thể chế đối với doanh nghiệp nhà nước vẫn như xưa nay.
Trong khi đó, xuất phát từ bản chất mô hình nhằm mục đích lợi nhuận, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường hoàn toàn khác (ngoại trừ doanh nghiệp công ích), không thể đóng vai trò công cụ nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô; công cụ đó là hành lang pháp lý và tài lực để thực hiện nó chứ không phải doanh nghiệp; từng doanh nghiệp chịu tác động của cả nền kinh tế, chứ mỗi mình nó rủi ro nay phất mai phá sản như Vinaschin không thể nói trước, làm sao đủ sức thay đổi cục diện để đóng vai trò công cụ điều hành. Nó cũng không có chức năng xã hội vốn thuộc nhà nước, được nó cung cấp nền tảng tài lực, trực tiếp như thuế lợi tức, thu nhập, môn bài… các khoản bảo hiểm xã hội phải đóng, gián tiếp như thuế giá trị gia tăng, bắc cầu như thuế thu nhập của nhân công doanh nghiệp. Nó là một pháp nhân độc lập, như bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào. Giám đốc đại diện chịu trách nhiệm cá nhân hoàn toàn trước pháp luật hiểu theo nghĩa bị kiện và thưa kiện khi xảy ra tranh chấp, làm việc và trả thù lao theo hợp đồng ký kết với đại diện chủ doanh nghiệp (nhà nước), tuân thủ điều lệ doanh nghiệp vốn đóng vai trò chế tài như hiến pháp đối với tổng thống, thủ tướng; không chịu bất cứ sự chỉ huy kinh doanh của bất cứ cấp hành chính nào. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa doanh nghiệp là một vương quốc, giám đốc là vua; tương tự như tổng thống thủ tướng, doanh nghiệp bị giám sát bởi các cơ quan nhà nước liên quan, do các văn bản lập pháp thích ứng chế tài. Cũng xuất phát từ chỗ sinh ra chỉ nhằm mục đich kinh doanh, doanh nghiệp cũng không chịu tác động chính trị hay xã hội, bị cấm thành lập trong doanh nghiệp bất kỳ đảng phái nào, hội đoàn gì; ngoài công đoàn để đối thoại với giới chủ (thậm chí cử người tham gia hội đồng quản trị) bởi chính họ cùng trực tiếp làm ra giá trị gia tăng, lơị nhuận doanh nghiệp. Ngạch lương nhân công được trả theo thoả thuận trong hợp đồng ký kết cá nhân hoặc tâp thể, nghĩa là phụ thuộc lợi nhuận, không phải trả lương như cho công chức do nhà nước ấn định thang bậc. Đồng lương đó tạo sức ép lên cả người trả lương lẫn người nhận phải kinh doanh có hiệu qủa nếu không sẽ bị phá sản, cả 2 đều thiệt.
Một khi mô hình doanh nghiệp nhà nước chẳng khác gì tư nhân đối với nền kinh tế, thì bài toán phân công lao động tối ưu là nhà nước tập trung quản trị đất nước, còn người dân chuyên làm kinh tế, (đến nhà tù người ta còn thuê tư nhân quản lý). Nguyên lý đó được Hiến pháp Đức áp dụng tại Điều 66, Thủ tướng và các bộ trưởng cấm tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, không được tham gia hội đồng quản trị nếu không được quốc hội chấp thuận (lẽ dĩ nhiên điều khoản này còn hàm nghĩa khác nữa).
(Xem tiếp phần II, Những thực tế đặt ra)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét