Phùng Hoài Ngọc
|
Giáo sư Trần Ngọc Thêm |
1. Trao đổi với BBC hôm 31/1/2013, Giáo sư Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiếp tục khẳng định cơ sở của nhận định này nằm ở chỗ Việt Nam xuất phát từ một xã hội có tính chất "âm tính", không ưa "xáo trộn".
Việt Nam vẫn ưa 'ổn định' hơn là 'đột biến' trong con đường biến đổi xã hội, thể chế của mình, theo nhà văn hóa học, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
(nguồn http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/01/140131_tranngocthem_vn_changes.shtml
Bàn luận
GS.Thêm không tự tin giới thiệu mình là Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, mặc dù nội dung phỏng vấn liên quan chuyện đó. BBC quả là khôn khéo khi đề nghị hỏi ý kiến anh Thêm với tư cách “nhà văn hóa học”, có vẻ thuần túy chuyên môn, khiến anh Thêm khó bề từ chối.
Quan điểm “ưa ổn định hơn đột biến” của anh GS.Thêm đã được TS.Nguyễn Khắc Truyến bác bỏ trên BVN (đã đăng lại, xem: http://giangnamlangtu.wordpress.com/2014/02/10/khi-chinh-quyen-bi-dan-quay-mat-di/).
Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Truyến, dân tộc Việt Nam ưa đột biến.
2. Ông Thêm nói với BBC: "Đặc biệt với Việt Nam, nó là nền văn hóa âm tính, và cách biến đổi của nó là từ từ, không xáo trộn, không gây những đổ vỡ lớn.
"Trừ những giai đoạn xung đột bên trong bên ngoài, ví dụ như chống giặc ngoại xâm, thì nó lại là chuyện khác, còn khi nội bộ với nhau thì nó là sự biến đổi từ từ".
Bàn luận
Anh Thêm giải thích thế nào về giai đoạn sau Hiệp định Paris 1973, khi lực lượng can thiệp Mỹ đã rút sạch khỏi Việt Nam (xung đột bên ngoài) thì quân đội miền Bắc dồn sức người sức của tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa, sau gần hai năm thì chiếm trọn miền Nam ? Đây chính là trường hợp “nội bộ với nhau”, như anh Thêm nói, hẳn không phải là “sự biến đổi từ từ”.
Dẫn chứng cũ: Ngược dòng lịch sử, nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý bằng một cuộc hôn nhân kỳ quái, thất đức. Ngay sau đó, thái sư Trần Thủ Độ mở đại tiệc chiêu đãi dòng họ “bên thua cuộc” trên một cái nắp hầm rộng khủng, rồi cắt dây chằng, đẩy tất cả hoàng gia họ Lý xuống hầm, chôn sống họ, mau chóng nhổ cỏ tận gốc. Nhà Trần và nhà Lý hẳn là cùng trong “nội bộ với nhau” đấy.
“Nội bộ với nhau thì nó là sự biến đổi từ từ ” - thực là một quan điểm tào lao!
3. Nhận xét về những chuyển động gần đây trong xã hội Việt Nam của một số phong trào xã hội dân sự và công dân, Giáo sư Thêm nói: “Sự xuất hiện của các phong trào đó, tôi cho rằng đó cũng là một sự thay đổi, nó có tác động, có tiếng nói gọi là phản biện nhất định…”.
Bàn luận
Đây là nhận xét ĐÚNG duy nhất của anh Thêm trong bài trả lời phỏng vấn của BBC.
Nhận xét trên là đúng, tuy còn ngập ngừng, nhưng dường như, bất kỳ một SV triết học có học lực trung bình nào cũng có thể nói được như thế.
Tuy nhiên, anh Thêm lại mắc sai lầm, và rất trầm trọng, ở nửa sau của câu nói hơi đúng hiếm hoi trên:
4. Ông (Thêm) nói: "Số lượng nó còn rất ít ỏi, nó không đủ đại diện cho một bộ phận nào cả và cái thứ hai về mặt chất lượng thì ở đó cũng thiếu những gương mặt có thể thu hút được những người quan tâm".
Bàn luận
“Số lượng nó…” là một câu nói rất tùy tiện, xa dưới tầm giáo sư tiến sĩ, dẫu là văn nói. Người kỹ tính có thể bắt bẻ: Trần Ngọc Thêm là ai mà dám hỗn láo gọi những người phản biện là “nó” ?!
Anh Thêm nói “Về mặt chất lượng…” sao lại vòng vo tới “thiếu những gương mặt” ?
Câu văn này khấp khểnh về logic. “Chất lượng” của phản biện đâu có hoàn toàn tùy thuộc “những gương mặt” (đương nhiên hiểu là gương mặt nổi tiếng) - mà tùy ở nội dung phản biện.
Sao anh không dám nhận xét thẳng về chất lượng phản biện kém ngay đi cho nhất quán câu văn. Hay là, anh còn e ngại mất lòng giới phản biện?
Anh Thêm nói “thiếu những gương mặt” (?)
Tôi thử kể vài gương mặt (theo quan niệm của Thêm): cựu UV BCT chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, cựu UV BCT Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn Khoa Điềm, trung tướng phó Quốc hội Trần Độ, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… giáo sư thì có GS Nguyễn Huệ Chi, GSTS Hoàng Văn Phú viện Toán học, GSTS Ngô Bảo Châu .v.v… và nhiều người khác có chức vụ cao cấp, quân hàm cao, văn nghệ sĩ nổi tiếng, trí thức với học vị từ bậc cao nhất thoai thoải dần tới cử nhân, sinh viên, nông dân, thợ thuyền thì không kể xiết ! Xin hỏi, cứ theo anh Thêm thì tiêu chuẩn để được anh gọi là “những gương mặt thu hút” là gì, ai mới có thể gọi là “những gương mặt”?
Tôi hỏi anh: 15 nghìn người ký tên Kiến nghị 72 (về sửa đổi Hiến pháp) có đủ mọi gương mặt chính khách, tướng lĩnh, trí thức nổi tiếng và trí thức bình thường, công nhân, nông dân, sinh viên mà anh Thêm dám lộng ngôn “…nó không đủ đại diện cho một bộ phận nào cả”. Thiên hạ rất dễ nổi nóng với anh Thêm vì câu nói hồ đồ này. Họ không phải là những cái tên ảo. Họ là người có thực, rải rác khắp mọi tầng lớp xã hội, anh dám võ đoán bảo họ chẳng thuộc “bộ phận nào” (?!). Chẳng hiểu anh quan niệm “bộ phận” ở đây là cái chi chi.
5. Giáo sư Thêm nói:
"Cái mà Marx nêu ra, rồi sau đó ở Liên Xô và một loạt nước hướng tới, cái khái niệm đó, cái "Chủ nghĩa Xã hội" thì chưa ai đến cả,
Bàn luận
Anh Thêm cũng khéo dùng tiểu xảo ngôn từ. Đáng lẽ cần nói thẳng “Liên Xô và một loạt nước hướng tới cái khái niệm đó, cái chủ nghĩa xã hội, thì đều thất bại cả” nhưng anh lại nói “thì chưa ai đến cả” (!)
Xin hỏi anh Thêm: “bao giờ thì Liên Xôtiến đến cái chủ nghĩa xã hội” ?
Đến đây anh Thêm đã lộ rõ kiểu phát ngôn mơ hồ, trí trá, quanh co.
Lời lẽ chỗ này làm lộ nguyên hình anh Thêm là Ủy viên Hội đồng LL trung ương chứ không phải nhà văn hoá học.
6. Anh Thêm nói:
"Nó là một khái niệm lý thuyết và do đó, nó phải được cụ thể hóa qua từng bước một. Thế và nói chủ nghĩa xã hội lập tức sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, từ những lập trường tư tưởng khác nhau."
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng và thời điểm Việt Nam có thể chuyển sang một mô hình "đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị" ôn hòa và lành mạnh trong tương lai, nhà nghiên cứu cho rằng chưa có đủ cơ sở để dự đoán.
Bàn luận
Câu nói trên được gọi là kiểu nói huề vốn, chẳng có thông tin gì cả.
Lại né tránh cái sự nhạy cảm với câu “chưa có đủ cơ sở dự đoán”!
Khôn lõi đời ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, nói năng huề vốn mà vẫn có lãi riêng đút túi nữa.
Một “gương mặt” trí thức làm hợp đồng nhiệm kỳ cho giới chính khách, bàn việc chính trị dưới chiêu bài “văn hóa học” ấp úng, lờ mờ vô trách nhiệm và tránh né của GSTS Trần Ngọc Thêm khiến người ta thất vọng. Một thứ lý luận nửa dơi nửa chuột ỡm ờ.
PHN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét