Ngọc Uyên
|
Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn |
NqL: Vì ưu tiên đăng chùm phóng sự của Đào Tuấn nên mình lùi bài này cho sáng nay. Cẩn thận không bao giờ thừa, mình đã coppy và lưu bài này đề phòng Thế giới mới sẽ bị lột bỏ. Quả nhiên đúng. Sáng nay vào Thế giới mới, vị trí bài này có mấy chữ: Lỗi 404: Không tìm thấy trang. Hu hu.
Đồn biên phòng Pò Hèn hay còn gọi là đồn 209 thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã chứng kiến một trận chiến đấu bất khuất. Ở đó, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hầu hết những người lính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang, không lùi bước.
Bị thương ngất đi, tỉnh lại tiếp tục chiến đấu
Nếu có một câu nói nào đó thể hiện được toàn bộ tinh thần chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới những ngày chống quân Trung Quốc có lẽ câu nói của liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Hoạ là câu nói tiêu biểu nhất: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đứng ở đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xây trên nền của chính đồn công an vũ trang Pò Hèn năm 1979. Một buổi sáng mùa xuân, đứng bên đài tưởng niệm, câu nói ấy của liệt sĩ Hoạ chợt văng vẳng khiến chúng tôi không khỏi sởn da gà và cay mắt. Nghe đồng đội của anh kể lại thời khắc anh chiến đấu ngoan cường ngay cả khi đã bị thương rất nặng, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
Ông Hoàng Như Lý, hiện sống tại thành phố Móng Cái, một trong số rất ít những người lính Pò Hèn còn sống sót sau trận chiến rạng sáng 17.2.1979, còn nhớ như in từng vị trí của đồn cũ.
|
Liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Họa |
Ông chỉ cho tôi đâu là khu nhà ăn nơi dính đạn pháo đầu tiên của địch, đâu là dãy nhà chỉ huy nhưng có một địa điểm ông Lý đặc biệt lưu ý và trầm ngâm hồi lâu: “Kia là đồi quế, nơi anh Họa hy sinh”.
Ngay đằng sau đài tượng niệm hiện nay là một quả đồi nho nhỏ, trông rất bình thường, không còn dấu tích gì của nơi từng diễn ra trận chiến tranh giành nhau từng tấc đất, nhưng 35 năm năm trước đó là nơi anh Họa đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu một trận bằng máu của mình.
“Tại đồi Quế, anh Họa bố trí đội hình đánh lại quân Trung Quốc khi đó đã chiếm được đồn. Phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta, quân Trung Quốc nã pháo dồn dập vào đồi Quế, đồng đội chúng tôi hy sinh rất nhiều. Anh Họa cũng bị thương, mặt và người bê bết máu. Hỏa lực của địch mạnh hơn và cứ sau mỗi loạt pháo chúng lại bắc loa yêu cầu ta ra hàng nhưng anh Họa vẫn chỉ huy bắn trả”- ông Lý nhớ lại.
Chúng buộc phải dùng bộ binh với số lượng áp đảo xông lên để đánh giáp lá cà với quân ta và chiếm được đồi Quế. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa cùng nhóm chiến sĩ của mình phải rút lui nhưng họ vẫn không đầu hàng mà lên ụ súng tổ chức lại lực lượng chiến đấu tiêu diệt 227 tên lính Trung Quốc, đến khi chiếm lại được đồi Quế.
Bị thương và mất máu quá nhiều anh Họa đã hy sinh nhưng khi trút hơi thở cuối cùng anh vẫn dặn đồng đội phải giữ vững trận địa. Ông Lý ngẹn lời: “Hình ảnh anh Họa bị thương ngất đi hai, ba lần liền nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chiến đấu và chỉ huy rất dũng cảm”. Trong chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Trị, anh Họa từng bị thương nhưng khi non sông thu về một mối dù quê ở Ân Thi (Hải Hưng) anh vẫn xung phong lên làm một người lính bảo vệ biên giới.
Nữ dũng sĩ Pò HènCó một bài hát viết về một người con gái cũng có mặt ở đồn Pò Hèn vào ngày 17.2 của 35 năm trước. Người con gái đó không thuộc biên chế của đồn Pò Hèn nhưng chị tình cờ có mặt ở Pò Hèn đúng ngày giặc nổ súng.
Hoàng Thị Hồng Chiêm vốn là cô nhân viên thương nghiệp của cửa hàng bách hóa Pò Hèn. Đêm trước hôm 17.2, chị Chiêm nhận lệnh của trên phải sơ tán cửa hàng vì quân Trung Quốc có thể đánh sang bất cứ lúc nào. Không ngờ ngay trong đêm sơ tán cửa hàng, chị Chiêm cùng anh Vượng, cửa hàng trưởng lại phải đối mặt với đạn pháo liên hồi.
Trong tay cô gái Hoàng Thị Hồng Chiêm khi đó chỉ có một khẩu CKC và hai quả lựu đạn nhưng người con gái quê ở Bình Ngọc dõng dạc khẳng định với anh Vượng, anh Thắng, chủ tịch xã và anh Đinh, y sĩ của xã: “Các anh cứ đi trước để em yểm trợ. Trước ở trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ em được huấn luyện để dùng súng và lựu đạn rồi”.
Và chị Chiêm đã yểm trợ để một số người trốn thoát sau đó một mình chạy về chốt chiến đấu của đồn công an vũ trang 209.
Ông Hoàng Như Lý kể lại: “Lúc ấy, chị Chiêm và anh Bùi Anh Lượng, một người lính của đồn 209 đang yêu nhau. Thời điểm Chiêm có mặt, các chiến sĩ trong đồn cũng đang chiến đấu ác liệt với quân Trung Quốc, anh em ban đầu khuyên chị lui về tuyến sau nhưng chị kiên quyết xin đồn phó Đỗ Sỹ Họa cho chị sát cánh bên bộ đội chiến đấu”.
|
Những người trong bức ảnh này đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc 2.1979. Tên của họ được ghi trên bia tưởng niệm ở Pò Hèn. |
Được đồn phó Đỗ Sỹ Họa giao nhiệm vụ tiếp đạn và băng bó cho thương binh nhưng cứ mỗi lần lên tiếp đạn là chị lại phụ anh em chiến đấu. Đến khi địch phải dùng đến pháo 130 ly nã điên cuồng vào đồi Quế mới khiến chị Chiêm bị thương.
Khi đồn phó Họa đã hy sinh, chị Chiêm gần như là người thủ lĩnh tinh thần của bộ đội. Chị trực tiếp cầm khẩu K54 của anh Họa bắn về phía quân địch khi máu đã ướt đẫm áo. Chị dính loạt đạn trung liên và ngã xuống khi vừa tròn 25 tuổi. Ở xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, quê hương người nữ dũng sĩ anh hùng có một bức tượng Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt ở sân trường trung học mang tên chị.
Nhạc sĩ Trần Minh một lần đến Pò Hèn nghe về câu chuyện của chị đã viết ca khúc Người con gái trên đỉnh Pò Hèn với những lời ca: “Từ biên giới này tỏa tiếp lời ca thắng lợi/ Hương hồi thơm bay tỏa lan trên vách núi/ Có cánh đào tươi đẹp trời xuân mới trên đỉnh núi Pò Hèn/ Hoàng Thị Hồng Chiêm, Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy/ Đã vào trang sách, đã thành bài ca” .
Cách đây ít lâu chúng tôi đến thăm đồn Pò Hèn và có dịp “gặp” lại những người đã ngã xuống nơi đây ở gian phòng truyền thống. Ám ảnh chúng tôi không phải là khi thấy đồn biên phòng trước đây trở thành đài tưởng niệm liệt sĩ mà là bức ảnh có đầy đủ 45 liệt sĩ trong trận chiến năm ấy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét